Hotline:

0943334779

 

Ngày 15-3-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, thay thế Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26-12-2002. Đây là cơ hội lớn để tỉnh ta rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển ngành cơ khí xứng đáng vị thế một trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh trong thời gian tới.    
 

Sản phẩm tượng đồng đúc tại Cty TNHH Điệp Oanh, CCN Thị trấn Lâm (Ý Yên).
 

Theo Quyết định của Thủ tướng, mục tiêu tổng quát đến năm 2035, ngành cơ khí nước ta được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước. Về xuất khẩu, đến năm 2020 sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí, đến năm 2030 đạt 40%; đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí. Đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại. Trong giai đoạn 2025-2035 sẽ hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC (tổng thầu) của các công trình công nghiệp; tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có tiềm năng trở thành các tập đoàn mạnh ở khu vực trong lĩnh vực chế tạo như ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện; hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đạt tiêu chuẩn nhà cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm vai trò chủ đạo. 
Ở tỉnh ta, những làng nghề cơ khí truyền thống nổi tiếng như: Tống Xá (Ý Yên), Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường), Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực), Quang Trung (Vụ Bản)… ngành công nghiệp cơ khí và gia công kim loại là một trong 6 ngành công nghiệp chủ lực. 3 lĩnh vực chủ yếu: cơ khí chế tạo, cơ khí - đúc và sản xuất các loại linh kiện, chi tiết thiết bị đã phát triển thành những trung tâm chuyên biệt. Sản phẩm ngành cơ khí chế tạo tỉnh ta khá đa dạng như: các loại động cơ điện, máy phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng, phục vụ các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông, đóng tàu… Trong khoảng chục năm trở lại đây các làng nghề cơ khí truyền thống trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ; góp phần hình thành các “trung tâm” sản xuất cơ khí như: huyện Xuân Trường chuyên các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, khai thác và chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…; huyện Nam Trực từ thế mạnh truyền thống chuyên sản xuất các chi tiết, phụ tùng xe, máy đã phát triển thêm các sản phẩm cơ khí phục vụ thi công xây dựng, giao thông, sản xuất thép nguyên liệu, thiết bị nội thất xây dựng…; các làng nghề đúc của huyện Ý Yên phát triển mạnh dòng sản phẩm đúc mỹ nghệ (tượng, tranh, đồ thờ)… Cùng với các làng nghề cơ khí truyền thống ở nhiều địa phương, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển được hàng trăm doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm của ngành công nghiệp cơ khí với đa dạng ngành nghề, sản phẩm từ: luyện cán thép (làm nguyên liệu); đúc thép; đúc hợp kim; sản xuất động cơ; đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy (có tải trọng đến trên 10 nghìn tấn); đúc chi tiết máy công nghiệp... Theo Quyết định 319 của Thủ tướng Chính phủ, ngành cơ khí tỉnh ta có lợi thế lớn vì có nhóm sản phẩm “các loại máy canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp” nằm trong nhóm danh mục các sản phẩm cơ khí phát triển trọng điểm đến năm 2035. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cơ khí, làng nghề cơ khí truyền thống của tỉnh ta cũng có cơ hội lớn để trở thành doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào một hoặc nhiều khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm ngành cơ khí. Bởi, theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp, sản phẩm ngành công nghiệp mũi nhọn này như: Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua thiết kế, công nghệ, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cơ khí; đa dạng hóa và khác biệt hóa sản phẩm, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hoặc hỗ trợ mua sáp nhập các doanh nghiệp toàn cầu có thương hiệu, bao gồm cả phần nghiên cứu và phát triển (R&D) để rút ngắn quá trình phát triển; ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí, gắn đào tạo với thực hành; hỗ trợ kinh phí cử cán bộ, công nhân giỏi đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài theo các chương trình, dự án được phê duyệt, từng bước xây dựng lực lượng tổng công trình sư và kỹ sư trưởng; có cơ chế về lãi suất tín dụng để đầu tư và thời hạn vay vốn lưu động cho các nhà sản xuất thiết bị cơ khí có dung lượng thị trường đủ lớn (các Nghị định số: 32/2017/NĐ-CP ngày 31-3-2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước và số 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ).
Để ngành công nghiệp cơ khí tỉnh ta phát triển đúng với tiềm năng, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến năm 2035, ngành Công thương tỉnh đang triển khai theo dõi thông tin; nắm bắt kịp thời các cơ chế, chính sách và chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp cơ khí từ Bộ Công thương. Đồng thời rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp, tham mưu cho UBND tỉnh hoạch định chiến lược phát triển ngành công nghiệp chủ lực, quan trọng này. Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của các ngành chức năng, các doanh nghiệp ngành công nghiệp cơ khí cũng cần chủ động “tái cơ cấu” mọi mặt (nhân lực, thiết bị máy móc, năng lực quản trị doanh nghiệp...) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh, nhanh chóng thích ứng, tiếp cận và thụ hưởng các cơ hội mà chính sách mới này mang đến./.

 

 

CƠ KHÍ THÀNH TÀI
phone_in_talk
Zalo
Hotline: 0943334779