Gia công cơ khí bánh răng là một trong những khâu quan trọng trong ngành cơ khí , bởi bánh răng có mặt trong hầu hết các loại máy móc, động cơ làm chức năng truyền động. bánh răng là một chi tiết nhỏ tuy nhiên nó yêu cầu độ chính xác và yêu cầu cao về mặt kĩ thuật tính toán để các rãnh răng có thể ăn khớp với nhau một cách hoàn hảo.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy móc thay vì họ tự sản xuất bánh răng thì họ lại lựa chọn thuê ngoài gia công bánh răng với nhiều ưu điểm về hiệu quả kinh tế. Có 2 phương pháp chính để gia công bánh răng là phương pháp định hình và bao hình
Có 3 cách gia công định hình là phay định hình, xọc định hình và chuốt răng định hình. Trong phương pháp này công nhân sử dụng máy phay vạn năng và dao phay modul là dao phay có biên dạng thân khai giống hình dạng răng, có 2 loại dao phay định hình là dao phay đĩa modul và dao phay ngón modul có đầu chia phân độ để chia đều số răng trên bánh răng.
Ưu điểm của các phương pháp định hình là tạo ra những bánh răng có khả năng truyền động tốt. Nhược điểm của phay răng định hình là có độ chính xác thấp, xọc định hình cho năng suất thấp bởi thời gian chạy không lớn. Phương pháp được dùng chủ yếu là chuốt răng định hình bởi năng suất cao, có thể chuốt nhiều rãnh một lúc gia công chính xác bánh răng có kích thước lớn.
Có 2 cách để gia công bao hình là phay lăn răng và xọc răng. Phay lăn răng dựa trên nguyên lí ăn khớp của trục vít với bánh vít trong đó phôi là bánh vít dao là trục vít. Xọc răng bao hình được thực hiện bằng dao dạng bánh răng và máy xọc bao hình dựa vào nguyên lí ăn khớp giữ hai bánh răng. Trong đó dao có 3 chuyển động là chuyển động lên xuống, chuyển động quay quanh trục của dao và phôi (chuyển động bao hình) và chuyển động tiến vào tâm phôi để cắt hết chiều sâu của răng (chuyển động cắt gọt).
Ưu điểm của phương pháp này là tạo ra những bánh răng thẳng, bánh răng nghiêng nhiều bậc với khoảng cách giữa các bậc nhỏ mà các phương pháp tạo bánh răng khác khó có thể làm được. Nhược điểm của phương pháp này là năng suất sản phẩm không cao do vận tốc và quán tính đầu dao
Bánh răng sau khi sản xuất, chế tạo cần đạt yêu cầu về độ chính xác động học, độ ổn định của bánh răng khi hoạt động: mức độ êm khi làm việc do sự thay đổi tốc độ quay. Độ chính xác tiếp xúc gồm mức độ và diện tiếp xúc của 2 mặt răng ăn khớp thông qua vết tiếp xúc. Độ chính xác của khe hở cạnh răng (giữa 2 biên dạng răng phía không làm việc) tránh kẹt răng đảm bảo chính xác khi răng đảo chiều